BAO BÌ AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Tổng quan về bao bì thực phẩm:
Bao bì thực phẩm là bao bì cấp 1 hoặc cấp 2 dùng chứa thực phẩm nên có ảnh hưởng rất lớn đến hạn sử dụng, chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho bao bì thực phẩm, nhà sản xuất cần kiểm tra các chỉ tiêu sau:
+ Hàm lượng chất thôi nhiễm trong bao bì.
+ Đánh giá rủi ro: cần xem xét các yếu tố như khả năng bị rách, rò rỉ hoặc gây nguy hiểm đối với người sử dụng khi mở gói hay tiếp xúc với bao bì. Đánh giá rủi ro giúp đảm bảo chất lượng cho bao bì và an toàn cho người dùng.
+ Đánh giá mối nguy: yếu tố này liên quan đến việc xem xét các nguy cơ tiềm ẩn bao gồm việc phân tích các chất hóa học như Bisphenol A (BPA), phthalates, PVC, PFAS, … có thể tồn tại trong bao bì.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều đã đề ra những tiêu chuẩn và quy định riêng nhằm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng một cách tốt nhất.
2. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn dành cho bao bì thực phẩm trong nước:
Căn cứ điều 18 luật ATTP số 55/2010/QH1 yêu cầu đối với bao bì thực phẩm gồm:
- Bao bì được sản xuất từ các nguyên liệu an toàn: Không nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ trong thực phẩm, đảm bảo chất lượng trong thời hạn sử dụng. Chất liệu làm bao bì phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y Tế. Phẩm màu in ấn phải được kiểm tra và đảm bảo không nhiễm vào sản phẩm.
- Bao bì đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật ATTP: Bao bì chứa đựng thực phẩm phải đáp ứng quy chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành và cấp phép, một vài quy chuẩn kỹ thuật của bao bì thông dụng như sau:
Căn cứ TT 34/2011 TT-BYT – Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm: QCVN 12-1:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp
Căn cứ Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm: các cơ sở và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bao bì thực phẩm phải tuân thủ thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm trước khi sản phẩm ra thị trường và tiếp cận người tiêu dùng như sau:
- Thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm: Các doanh nghiệp sản xuất bao bì thực phẩm trước khi đưa sản phẩm lên thị trường phải thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm để đảm bảo rằng bao bì được sản xuất tuân thủ đúng các quy định về an toàn vệ sinh và chất lượng.
- Lựa chọn nguồn cung ứng đáng tin cậy: Khi mua các dụng cụ, vật liệu chứa đựng, hoặc bao gói sản phẩm thực phẩm, các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín và đáng tin cậy. Điều này bao gồm việc yêu cầu giấy tờ liên quan như hóa đơn mua bán và kiểm nghiệm sản phẩm để đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định về an toàn.
- Giữ bản tự công bố sản phẩm: Các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm nên lưu trữ các bản tự công bố sản phẩm một cách cẩn thận. Điều này quan trọng vì có thể chứng minh sự tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh đối với bao bì thực phẩm.
Mới đây nhất là tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 – Mực in bao bì thực phẩm - Yêu cầu chung. Tiêu chuẩn nhằm mục đích đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Một số điều đáng chú ý của tiêu chuẩn này là:
+ Kiểm soát mức độ thôi nhiễm của mực in trong phạm vi cho phép, đảm bảo không gây nguy hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm.
+ Mực in phải được pha chế bằng cách sử dụng các vật liệu an toàn, không độc hại, không được phân loại là chất gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen và độc hại cho sinh sản.
+ Kiểm soát hàm lượng trong phạm vi cho phép của các chất độc hại trong mực in như chì, cadimi, thủy ngân, crom và các chất, phụ gia không an toàn khác.
+ Quy định về ghi nhãn mực in, bao gồm ít nhất các thông tin sau: tên sản phẩm hàng hóa; tên và địa chỉ nhà sản xuất; khối lượng tịnh; thời gian sản xuất/sử dụng.
3. Một số quy định dành cho bao bì thực phẩm xuất khẩu:
Quy định về an toàn dành cho bao bì thực phẩm thường được xác định và quản lý bởi cơ quan quản lý thực phẩm và y tế của mỗi quốc gia hoặc khu vực. Vì vậy, khi sản xuất bao bì thực phẩm buộc phải tìm hiểu về quy định và tiêu chuẩn của khu vực hoặc quốc gia mà ta hợp tác để tuân thủ cho đúng. Sau đây là một số quy định của quốc tế:
- Quy định EU No 10/2011: Các chỉ tiêu thôi nhiễm cho xuất khẩu sang Châu Âu. Quy định này được công bố ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu, có nội dung của Cơ quan Môi trường Châu Âu về vật liệu nhựa và các chất dự kiến tiếp xúc với thực phẩm. Quy định này mô tả các yêu cầu cụ thể đối với việc sản xuất và tiếp thị các vật liệu và vật phẩm bằng nhựa có mục đích tiếp xúc với thực phẩm hoặc đã tiếp xúc hoặc dự kiến sẽ tiếp xúc với thực phẩm ở mức có thể chấp nhận được.
- Quy định FDA: FDA là viết tắt của Food And Drug Administration, là Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ. Tiêu chuẩn FDA bao gồm các quy định, quy trình, và hướng dẫn mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tại Hoa Kỳ đặt ra để giám sát, kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, thuốc và các sản phẩm sinh học khác để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng khi lưu hành sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ. Do đó, các nhà xuất khẩu tại Việt Nam nếu muốn đưa sản phẩm của mình vào thị trường Hoa Kỳ thì đều phải tuân thủ những quy định của Cục FDA và được phê duyệt cho từng loại sản phẩm, phạm vi đăng ký.
- Quy định của Ủy ban (EU) 2022/1616 ngày 15 tháng 9 năm 2022 về vật liệu và vật dụng nhựa tái chế tiếp xúc với thực phẩm.
- Chỉ thị của Ủy ban (EU) 2007/42/EC ngày 29 tháng 6 năm 2007 liên quan đến vật liệu và các mặt hàng làm từ màng cellulose tái sinh có mục đích tiếp xúc với thực phẩm.
- Quy định (EC) số 1935/2004 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng ngày 27 tháng 10 năm 2004 về vật liệu và đồ dùng tiếp xúc với thực phẩm, yêu cầu các vật liệu không giải phóng các thành phần có hại của của chúng vào thực phẩm.
- Quy định của Ủy ban (EC) số 2023/2006 ngày 22 tháng 12 năm 2006 về thực hành sản xuất tốt đối với vật liệu và các mặt hàng có mục đích tiếp xúc với thực phẩm.
- Quy định của Ủy ban (EC) số 1895/2005 ngày 18 tháng 11 năm 2005 về việc hạn chế sử dụng một số dẫn xuất epoxy trong vật liệu và đồ dùng tiếp xúc với thực phẩm.
- GB 4806.7-2016: là tiêu chuẩn về vật liệu và vật phẩm bằng nhựa tiếp xúc với thực phẩm. GB là tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc do Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC), Ủy ban Quốc gia về ISO và IEC của Trung Quốc ban hành.
Tuân thủ các quy chuẩn, quy định dành cho bao bì thực phẩm không chỉ là đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn là một lợi thế để tạo sự khác biệt.
Liksin tự hào là nhà sản xuất hơn 25 năm kinh nghiệm với thế mạnh là đa công nghệ, cung cấp các sản phẩm bao bì nhựa, bao bì giấy, nhãn hàng, … đạt các tiêu chuẩn cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, chúng tôi rất sẵn sàng được cùng Quý Công ty để phối hợp phát triển các dự án bao bì bền vững.
Ngày 20 tháng 09 năm 2024
Phòng Nghiên cứu - Phát triển