CÔNG NGHỆ ÉP NHŨ KỸ THUẬT SỐ
Bao bì ngoài chức năng kỹ thuật về bảo quản sản phẩm, còn đóng vai trò như một công cụ tiếp thị, truyền thông và thu hút khách hàng. Giữa một loạt những sản phẩm giống nhau trên cùng kệ hàng, sản phẩm nào có bao bì nổi bật hơn sẽ dễ dàng được người tiêu dùng chú ý và lựa chọn. Do đó, các nhà in, nhà sản xuất thường tập trung thực hiện những hiệu ứng nhằm gia tăng giá trị bề mặt cho bao bì, đặc biệt đối với các bao bì phục vụ những dịp đặc biệt như lễ, tết.
1. Hiệu ứng ánh kim:
Hiệu ứng ánh kim là hiệu ứng đặc biệt tạo ra bề mặt lấp lánh, phản chiếu ánh sáng giống như kim loại. Hiệu ứng ánh kim có thể được áp dụng trên nhiều loại vật liệu khác nhau và thường được sử dụng để tạo điểm nhấn trên bao bì cho các sản phẩm cao cấp, sang trọng.
2. Các phương pháp gia công:
Thông thường khi muốn gia tăng giá trị bề mặt tờ in bằng hiệu ứng kim loại, các nhà in sẽ ứng dụng các công nghệ như ép nhũ nóng, in nhũ lạnh hoặc sử dụng mực nhũ.
2.1. Ép nhũ nóng:
Ép nhũ nóng là quá trình sử dụng nhiệt độ cao và áp lực để chuyển lớp màng kim loại lên bề mặt của các nguyên vật liệu như giấy, da, … Những hình ảnh, nội dung hoặc phần tử cần có hiệu ứng sẽ được thiết kế riêng trên một khuôn ép làm bằng nhôm hoặc đồng tuỳ thuộc vào yêu cầu và chi phí. Khuôn ép sẽ được làm nóng đến nhiệt độ nhất định, kết hợp với áp lực ép cần thiết để tách nhũ khỏi lớp đế và bám chắc vào bề mặt vật liệu.
Phương pháp này được xem là thông dụng và phổ biến nhất. Có thể nói, ép nhũ nóng mang lại hiệu ứng ánh kim lấp lánh, sáng và bóng nhất trong tất cả các phương pháp gia công. Tuy có thể ép được trên các bề mặt gồ ghề, nhưng nhược điểm của công nghệ này là không ứng dụng được cho các loại vật liệu có bề mặt chịu nhiệt kém, khả năng thực hiện khi cần phủ nhũ trên một diện tích bề mặt lớn cũng không cao. Ngoài ra, do phải sử dụng một lực ép lớn để nhũ có thể bám dính nên sẽ dễ tạo ra vết hằn trên bề mặt, các gờ giữa phần tử nhũ và phần tử không nhũ. Khuôn ép cũng chiếm chi phí nhất định, phụ thuộc vào độ phức tạp của chi tiết và chất liệu làm khuôn.
Sản phẩm ép nhũ nóng
2.2. In nhũ lạnh:
Phương pháp thứ hai có tên gọi “In nhũ lạnh” xuất phát từ công nghệ thực hiện. Thay vì phải dùng nhiệt độ cao và áp lực lớn để nhũ bám lên bề mặt, phương pháp này không yêu cầu về nhiệt độ, quy trình thực hiện tương tự như một đơn vị in thông thường.
Quy trình in nhũ lạnh bao gồm công đoạn tráng phủ keo UV lên phần tử cần phủ nhũ, sau đó màng nhũ sẽ đi qua các lô ép và được ghép với lớp vật liệu nền (lớp keo dính của màng nhũ tiếp xúc với lớp keo UV). Vật liệu in tiếp tục đi qua hệ thống đèn sấy UV để làm chảy lớp đệm của màng nhũ, đồng thời polymer hoá đóng rắn lớp keo UV vừa được in, nhờ đó nhũ được truyền từ màng nhũ sang và bám dính chắc ở các vị trí có keo dán. Cuối cùng, phần còn lại của màng nhũ được tách ra và thu hồi lại.
Hoạt động như một đơn vị in nên nhũ lạnh có thể được tích hợp linh hoạt vào máy in hoặc sử dụng như một cấu hình riêng lẻ. Phương pháp nhũ lạnh cho phép in chồng lên phần tử phủ nhũ, điều này giúp tạo ra nhiều hiệu ứng màu sắc có ánh kim loại, tăng khả năng chống giả cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Phương pháp in nhũ lạnh có thể khắc phục những nhược điểm của ép nhũ nóng như gia công được trên các loại vật liệu có bề mặt chịu nhiệt kém, phủ được trên diện tích lớn và tram mịn, không để lại vết hằn hay vết gờ trên bề mặt. Tuy nhiên, độ sáng, bóng và lấp lánh của ép nhũ nóng vẫn chiếm ưu thế nhất.
Sản phẩm in nhũ lạnh
2.3. In mực nhũ:
Mực nhũ hay còn gọi mực metallic, là loại mực in giả lập hiệu ứng kim loại và được dùng thay thế cho ép nhũ nóng hoặc in nhũ lạnh trong một vài trường hợp. Về bản chất, mực nhũ cũng là một loại mực in thông thường như 4 màu mực cơ bản CMYK. Tuy nhiên, thành phần mực in có thêm kim loại để tạo hiệu ứng ánh kim.
Hiệu ứng từ mực nhũ được thể hiện tốt nhất khi được in trên các vùng có diện tích lớn và in trên các loại vật liệu có bề mặt trơn, láng. Đối với các vùng nét mảnh hoặc phần tử in nhỏ, hiệu ứng ánh kim từ mực nhũ không thật sự nổi bật và có sự khác biệt.
Phương pháp này tiết kiệm hơn về mặt đầu tư máy móc thiết bị so với ép nhũ nóng hoặc in nhũ lạnh. Tuy nhiên, giá thành vật tư, mực in nhũ metallic thường khá cao và hạn sử dụng của mực cũng không quá dài, yêu cầu phải sử dụng trong vòng 1-3 tháng để tránh bị đóng rắn. Mặt khác, quá trình in mực nhũ cũng đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của người vận hành máy để cho ra được tờ in đẹp và chất lượng.
Sản phẩm dùng mực nhũ metallic
3. Công nghệ ép nhũ kỹ thuật số:
Theo xu hướng phát triển ngày nay, bao bì không những có thiết kế bắt mắt, hấp dẫn, còn phải đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nội dung được cập nhật liên tục theo thị trường. Công nghệ ép nhũ nóng, in nhũ lạnh hoặc in mực nhũ đều thoả mãn về mặt mang lại hiệu ứng lấp lánh, tuy nhiên lại không thoả mãn được các yêu cầu môi trường khi vẫn còn thải ra một lượng nhựa của lớp đế khi thu cuộn nhũ hoặc cần phải làm khuôn, làm bản để có thể ép và in các chi tiết nhũ. Do đó, công nghệ ép nhũ kỹ thuật số, hoặc có thể hiểu đơn giản hơn là công nghệ ép nhũ không dùng bản được phát triển nhằm khắc phục những khuyết điểm trên.
Ép nhũ kỹ thuật số ứng dụng công nghệ in phun (inkjet) là công nghệ tạo ra hình ảnh in bằng cách sử dụng các đầu phun siêu nhỏ phun giọt mực lên bề mặt vật liệu in. Hiện nay công nghệ này được ứng dụng nhiều trên các máy in hybrid, kết hợp đơn vị in và các đơn vị thành phẩm online như ép nhũ, tráng phủ UV không cần làm bản, … dạng cuộn hoặc dạng tờ rời, phù hợp cho cả bao bì giấy và bao bì nhựa mềm.
Ưu điểm của công nghệ ép nhũ kỹ thuật số là vẫn đảm bảo khả năng tái tạo hiệu ứng kim loại sắc nét, sáng, bóng hơn khi sử dụng mực nhũ để in thay cho mực nhũ truyền thống, và không cần phải làm khuôn như công nghệ ép nhũ nóng cho phép in được các loại dữ liệu biến đổi, cá nhân hoá, tăng mức độ bảo mật.
Hình ảnh: Internet
Phòng Nghiên cứu – Phát triển