THIẾT KẾ CẤU TRÚC BAO BÌ HỘP GIẤY

THIẾT KẾ CẤU TRÚC BAO BÌ HỘP GIẤY

Ngành bao bì hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các giải pháp bao bì thân thiện và bảo vệ môi trường tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn bao bì hộp giấy trong xu hướng phát triển này. Vậy làm thế nào để có thể thiết kế bao bì một cách đúng và tối ưu hóa được thiết kế? Hãy cùng tham khảo bài viết sau.

1. Lựa chọn vật liệu

Vật liệu của bao bì hộp giấy được xác định dựa trên khối lượng và tính chất của sản phẩm, cũng như từ các yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩm nhỏ, nhẹ như dược phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo, sản phẩm chăm sóc cá nhân (dao cạo râu, sữa rửa mặt, …) sẽ phù hợp với các loại giấy như Ivory, Duplex. Đối với các sản phẩm nặng hơn như giày dép, dầu gội đầu, dầu xả có dung tích lớn, vật liệu sử dụng cho bao bì hộp giấy cần chắc chắn, đảm bảo độ bền, độ va đập như carton sóng. Với các sản phẩm cao cấp như mỹ phẩm, các bộ quà tặng, nên sử dụng các loại vật liệu như giấy mỹ thuật hoặc kết hợp thêm các hiệu ứng nhằm gia tăng chất lượng bề mặt bao bì.

Lựa chọn vật liệu

2. Xác định kích thước

Đặc điểm của bao bì hộp giấy là không thể ôm sát theo hình dạng của sản phẩm bên trong. Do đó, kích thước của bao bì cần phù hợp với kích thước và khối lượng của sản phẩm để có thể bảo vệ sản phẩm một cách hiệu quả nhất, đồng thời cũng tăng tính thẩm mỹ khi được trưng bày trên kệ hàng.

Với những trường hợp như sản phẩm bên trong có kích thước nhỏ nhưng bao bì hộp cần có kích thước lớn để có đủ diện tích cung cấp thông tin, nhà sản xuất bao bì cần phải có những giải pháp thiết kế như thêm phần chèn, tấm lót (insert) bên trong hộp để đảm bảo giữ sản phẩm đứng vững. Ngoài ra, bao bì hộp cũng cần phải có kích thước phù hợp với những tình huống như vận chuyển xa, trưng bày trên kệ siêu thị, lưu trữ trong gia đình, quà tặng, …

3. Lựa chọn cấu trúc, kiểu dáng hộp

Sau khi xác định được kích thước, lựa chọn kiểu dáng bao bì cũng là một vấn đề quan trọng vì cấu trúc bao bì sẽ phụ thuộc vào cách đóng gói, dây chuyền đóng gói cũng như có những tác động nhất định đến người tiêu dùng khi mua sắm.

Bao bì hộp giấy có nhiều dạng cấu trúc khác nhau, được chia thành 2 loại: thông dụng và đặc biệt.

Các cấu trúc thông dụng gồm các kiểu hộp skillet (nắp dán, đáy dán), tuck end (nắp cài, đáy cài), crash lock bottom (đáy dán khóa), snap lock bottom (đáy cài khóa). Đây là những cấu trúc cơ bản, nhà sản xuất bao bì, chủ sở hữu thương hiệu có thể tùy chỉnh kết hợp các kiểu nắp với kiểu đáy nhằm phục vụ cho những loại sản phẩm khác nhau và phù hợp với dây chuyền đóng gói có sẵn.

Cấu trúc hộp nắp cài, đáy cài
Cấu trúc hộp nắp cài, đáy cài

Cấu trúc hộp đáy dán khóa - cài khóa

 

Trong đó, đường màu đen (cutting line) tượng trưng cho đường bế, cắt hộp. Đường màu cam (crease line) tượng trưng đường cấn, gấp hộp. Đường keo dán hộp (glue area) được thể hiện ở những khu vực tô màu xanh nhạt.

Bao bì hộp giấy có kiểu dáng đặc biệt
Bao bì hộp giấy có kiểu dáng đặc biệt

4. Kỹ thuật gia công bề mặt

Kỹ thuật gia công sau in đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm bao bì hộp giấy, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm.

Cán màng hoặc tráng phủ: Cán màng bóng hoặc mờ giúp bảo vệ bề mặt hộp giấy khỏi trầy xước, phai màu, thấm nước và tăng độ sáng bóng cho hộp. Có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như cán màng OPP, cán màng BOPP, cán màng Metalize, … Tráng phủ cũng giúp bảo vệ bề mặt bao bì hộp và là phương pháp có thể thực hiện để thay thế cho cán màng khi hướng đến bao bì thân thiện môi trường.

Ép kim (ép nhũ): Ép kim giúp tạo điểm nhấn và tăng tính sang trọng cho bao bì hộp giấy. Có thể sử dụng nhiều màu sắc khác nhau như vàng, bạc, đồng, xanh, đỏ, … Kỹ thuật này thường được sử dụng cho logo, thương hiệu hoặc các chi tiết trang trí trên hộp.

Dập nổi: Phương pháp giúp tạo hiệu ứng nổi, hiệu ứng 3D cho bề mặt hộp giấy, tăng tính độc đáo và thu hút sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh đó, kỹ thuật dập nổi còn được ứng dụng để in chữ nổi trên bao bì hộp giấy đối với các sản phẩm hướng đến người khiếm thị.

Đục lỗ: Được sử dụng để tạo các lỗ trên hộp giấy, thường dùng để treo móc hoặc xỏ dây. Kỹ thuật đục lỗ cần đảm bảo độ chính xác cao và không làm ảnh hưởng đến kết cấu của hộp.

Tạo cửa sổ: Thông thường bao bì hộp giấy sẽ không thấy được sản phẩm bên trong, tuy nhiên có thể thêm thiết kế cửa sổ trong suốt để vừa có thể thấy sản phẩm vừa đáp ứng tiêu chí tái chế.

5. Một số lưu ý khi thiết kế cấu trúc bao bì hộp giấy

  • Hướng xớ giấy:

Điều đầu tiên cần phải quan tâm khi thiết kế cấu trúc hộp đó chính là xác định hướng xớ giấy vì nếu sai hướng xớ giấy, hộp sẽ không thể đứng vững được lâu trong không gian, tạo ra những vết cong, vênh, gây biến dạng hộp.

Hướng xớ giấy

  • Khả năng sản xuất:

Đối với những cấu trúc hộp đặc biệt, cần lưu ý đến khả năng sản xuất ở công đoạn gấp dán hộp, cách thức và thao tác đóng gói trên dây chuyền. Bao bì có quá nhiều mặt hoặc nhiều chi tiết kèm theo sẽ gây rủi ro trong công đoạn dán hoặc bao bì được cấu tạo từ nhiều thành phần, chi tiết khác nhau sẽ làm chậm thao tác đóng gói, gây khó khăn cho nhân viên thực hiện.

  • Tác động đến người tiêu dùng:

Khi thiết kế cấu trúc bao bì hộp giấy, nhà sản xuất cần cân nhắc đến khả năng tiếp cận và sử dụng sản phẩm thông qua bao bì của người tiêu dùng. Bao bì ngoài được thiết kế phù hợp với sản phẩm còn cần phải cân nhắc đến đặc điểm của đối tượng sử dụng hướng đến như thói quen, độ tuổi, thao tác, … Ví dụ bao bì hộp giấy cho dược phẩm cần phải có thêm những chi tiết an toàn cho trẻ em, phòng tránh trẻ tự mở hộp và tiếp cận sản phẩm bên trong, ...

Tại Liksin, chúng tôi có đội ngũ R&D có khả năng sáng tạo cao có thể đánh giá và tư vấn những cấu trúc phù hợp với từng yêu cầu cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ bởi phần mềm và máy móc thiết bị chuyên dụng để tạo ra được những cấu trúc bao bì từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện làm mẫu mockup trên chất liệu thật và trong thời gian ngắn nhằm mang lại sản phẩm trực quan, thực tế cho khách hàng đánh giá.

Ngày 25 tháng 04 năm 2024   
Phòng Nghiên cứu – Phát triển

(Nguồn hình ảnh: Internet)