Các Kỳ Đại Hội Đảng (phần cuối)
Đại hội diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam do Đảng lãnh đạo đã trải qua 20 năm và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng họp từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 3,1 triệu đảng viên trong cả nước. Trong đó có 144 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, 1.023 đại biểu được bầu cử từ đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 9 đại biểu của Đảng bộ ngoài nước do Trung ương chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X gồm 160 ủy viên chính thức, 21 ủy viên dự khuyết, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, Ban Bí thư gồm 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội X đã đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010), đánh giá 20 năm đổi mới rút ra 5 bài học lớn, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng Đảng, bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.
Cũng tại Đại hội X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tranh thủ thời cơ rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh các ngành kinh tế và các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức.
Ngày 7-11-2006, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đất nước đứng trước những cơ hội phát triển đồng thời cũng có những thách thức mới. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (1-2007) đề ra các nghị quyết về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững sau khi trở thành thành viên của WTO; về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; về phương hướng bầu cử và chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khóa XII. Trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (10-2008) đã xem xét những vấn đề về kinh tế - xã hội, quyết định ngân sách Nhà nước và định hướng năm 2009, hội nghị chủ trương 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Với thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20, những năm đầu thế kỷ 21 và đặc biệt là thành tựu quan trọng của 25 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân tự hào, tự tin vững bước tiến lên.
Theo Sài Gòn Giải Phóng Online