Bao bì PCR là gì?
1) Tình hình ô nhiễm rác thải nhựa:
Theo Ellen Macarthur Foundation, đến năm 2040, mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa có tiềm năng tạo ra nhiều kết quả tích cực, như giúp cắt giảm 80% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm, giảm 25% lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, giúp tiết kiệm lên đến 200 tỷ USD mỗi năm.
Một trong những yếu tố thúc đẩy mô hình này chính là thu gom và tái chế rác thải nhựa, biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, hạn chế tồn tại ngoài môi trường gây ô nhiễm.
2) Bao bì có khả năng tái chế:
Xác định khả năng tái chế và làm thế nào để đánh giá khả năng tái chế của bao bì.
Tái chế là điều kiện tiên quyết cần thiết cho nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu tiên cần được thực hiện là chú trọng khâu thiết kế bao bì. Các nhà thiết kế bao bì cần phải cân nhắc một số yếu tố, bao gồm làm sao để bao bì có thể tái chế được càng nhiều càng tốt khi kết thúc giai đoạn sử dụng. Để ra quyết định thiết kế, họ cần được cung cấp thông tin từ hệ thống thu gom, phân loại và tái chế hiện có ở quốc gia hoặc khu vực, địa phương liên quan.
Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào để đánh giá khả năng tái chế của bao bì. Thông tin khách quan về mức độ dễ hay khó để tái chế một loại bao bì nào đó phải dựa trên các yêu cầu và tiêu chí đánh giá đã được xác minh, rõ ràng và minh bạch.
Có nhiều cách tiếp cận hiện đang được châu Âu thảo luận. Mục tiêu bao trùm là đảm bảo sự hài hòa của các tiêu chí đánh giá khả năng tái chế. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khá khó khăn vì các tiêu chuẩn thu gom, phân loại và tái chế giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là khác nhau. Mặc dù có thể xây dựng các tiêu chí chung cho “thiết kế để tái chế’’ nhưng trên thực tế bao bì chỉ có thể tái chếđược khi các hệ thống thu gom, phân loại và tái chế bao bì được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Để thúc đẩy thị trường nhựa tái chế, có một số khả năng để tạo ra các cơ chế khuyến khích về mặt kinh tế. Có thể áp dụng một số ưu đãi về thuế đối với các sản phẩm tái chế và xây dựng các chương trình hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất và sử dụng các sản phẩm tái chế.
Do vậy, hai thuật ngữ dưới đây được định nghĩa như sau:
• “Thiết kế để tái chế”: tức là bao bì đáp ứng được tất cả các tiêu chí quan trọng để có thể tái chế với điều kiện đảm bảo được cơ sở hạ tầng phù hợp. Nếu không, cho dù bao bì được thiết kế phù hợp thì cũng không thể coi là có khả năng tái chế được.
• “Khả năng tái chế” của bao bì phụ thuộc vào thành phần của bao bì (liệu nó có đáp ứng các yêu cầu của thiết kế để tái chế hay không) và các lựa chọn tái chế sau khi sản phẩm được sử dụng.
Ngoài ra, thuật ngữ “khả năng tái chế” đề cập đến việc tái chế cơ học chất lượng cao. Định nghĩa về khả năng tái chế này mô tả khả năng của bất kỳ bao bì cụ thể nào có thể thay thế cho nguyên liệu nguyênsinh trong các ứng dụng sản xuất điển hình sau quy trình phục hồi nguyên liệu sản xuất. Nếu nó có thể thay thế nguyên liệu nguyên sinh thì có thể tái chế được. Tương tự, điều này có nghĩa là bao bì không thể tái chế nếu nó chỉ có thể được sử dụng để phục hồi năng lượng và bao bì phân hủy sinh học cũng không nằm trong định nghĩa của về khả năng tái chế. Câu hỏi làm thế nào để phân loại các vật liệu chỉ có thể được tái chế bằng các quy trình tái chế hóa học vẫn còn đang được tranh luận, vì các quy trình này hiện vẫn đang trong giai đoạn hình thành.
3) Nhựa tái chế PCR là gì?
PCR là tên viết tắt của Post-Consumer Recycled, là nguyên liệu có nguồn gốc từ chất thải tái chế sau tiêu dùng, được làm từ các vật liệu bỏ đi sau tiêu dùng, đây là dòng chất thải lớn nhất thế giới. Vì thế, các nhà sản xuất đã và đang không ngừng tìm giải pháp để làm giảm khối lượng của nguồn chất thải này một cách tối đa, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, các chất thải sau tiêu dùng sẽ được xử lý để chuyển thành nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bao bì thay vì phải sử dụng các nguyên liệu nguyên sinh từ dầu mỏ. Sử dụng nhựa PCR là một trong những giải pháp bao bì bền vững trên toàn cầu.
Bao bì PCR là bao bì sử dụng nguyên vật liệu nhựa tái chế sau tiêu dùng trong thành phần cấu trúc và thuờng được xác định theo tỉ lệ %.
Tái chế là giải pháp hướng đến kinh tế tuần hoàn (Nguồn ảnh: Internet)
4) Nhựa tái chế PIR là gì?
PIR là tên viết tắt của Post-Industrial Recycled, là nguyên liệu có nguồn gốc từ chất thải trong quá trình công nghiệp và sản xuất. Sự khác nhau của PIR so với PCR là chất thải công nghiệp, chưa đến tay người tiêu dùng.
5) Lợi ích và ưu điểm của bao bì PCR:
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng hơn 300 triệu mét khối nhựa được tạo ra. Tuy nhiên, chỉ có 9% trong số đó được tái chế, số lượng còn lại trở thành rác thải chôn lấp hoặc thải ra các sông, suối, biển, … Chính vì vậy, việc sử dụng nhựa tái chế và cho ra bao bì PCR là giải pháp hướng đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải một cách hữu hiệu nhất.
Nguồn ảnh: Internet
Ngoài ra, sản xuất bao bì PCR cũng có những lợi ích cho môi trường và sản xuất như:
• Ít sử dụng tài nguyên hoá thạch
• Giảm lượng chất thải
• Giảm phát thải khí nhà kính (khí thải CO2 )
• Có thể tái chế sau khi sử dụng
• Đáp ứng các yêu cầu, quy định về môi trường
Nhận biết được các quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu cũng như nhận thức về vấn đề môi trường ngày càng cao của người tiêu dùng, đội ngũ R&D tại Liksin đã thử nghiệm thành công các cấu trúc bao bì sử dụng ít nhất 30% nhựa PCR và được các công ty đa quốc gia ưu tiên lựa chọn cho những sản phẩm xuất khẩu quốc tế.
Nguồn ảnh: Internet
Tuy nhiên, nhựa PCR còn vài hạn chế như khi sử dụng nhựa PCR thì sẽ có đốm gel, độ trong suốt không cao. Các nhà sản xuất nguyên vật liệu, nhà tái chế liên tục nghiên cứu và cải tiến, cũng như nâng cao năng lực công nghệ nhằm tạo ra nguồn cung nhựa PCR đáp ứng các tiêu chuẩn.
Ngày 21 tháng 11 năm 2023
Phòng Nghiên cứu – Phát triển
Tìm hiểu thêm tại:
• Bài viết “Bao bì thân thiện môi trường”
• https://www.sustainableresins.com/